Trầm Hương là một loại gỗ quý hiếm, có nhiều công dụng tốt khác nhau. Người ta có thể giàu có nhờ loại gỗ này. Nhưng cũng vì loại gỗ này làm cho người ta bỏ mạng vì lặn lội đi tìm gỗ Trầm Hương ở những “ rừng thiêng nước độc’’ . Vậy gỗ Trầm Hương có gì đặc biệt mà lại được săn lùng nhiều đến như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu bài viết của Gỗ Đỉnh nhé.
Cây Trầm Hương
Tên gọi: Cây gió, cây dó bầu, cây dó trầm, cây trầm, cây kỳ nam.
Tên khoa học: Aquilaria agallocha Roxb.
Thuộc họ: Trầm.
Thuộc nhóm: nhóm 1 trong danh sách cây gỗ tại Việt Nam.
Đặc điểm và đặc tính sinh thái:
Mỗi cây Trầm Hương thường có độ cao chừng 20 – 30m, ở những cây to đường kính thân có thể lên tới 60 – 80cm.
Phần thân thẳng, trên thân có xuất hiện các rãnh như lòng máng. Lớp vỏ ngoài của dó bầu thường nhẵn mịn, có màu nâu xám, vỏ có màu trắng và chứa nhiều chất xơ. Cành của loại cây này có đặc điểm thanh mảnh, cong queo, thường có màu nâu nhạt, các tán lá rất thưa.
Lá cây mỏng, hình bầu dục hoặc lưỡi mác, mọc đối. Mặt trên của lá có màu xanh bóng, mặt dưới có xanh nhạt hơn và có lông mịn, lá trầm hương có gân hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, hợp lại ở mép, cuống lá dài 2 – 5mm.
Hoa trầm hương dạng cụm hình tán hay chùm mang nhiều hoa mọc ở kẽ lá. Hoa có cuống, đài hình chuông màu trắng tro có 5 thùy và 10 vày, bầu hình trứng có lông dày, và thường đậu hoa vào tháng 7 – 8.
Quả trầm hương dài khoảng 4cm, dày 2cm và dài chừng 3cm, mỗi quả có 2 hạt, quả thường chín vào tháng 6 – tháng 7.
Quả cây Trầm Hương
Khi cây có tuổi thọ 30 năm mới cho chất lượng trầm tốt nhất, sau khi chịu tác động của thiên nhiên hay nhân tạo, các vết thương rỉ nhựa kết hợp với các vi sinh vật và khoáng chất trong đất sinh ra trầm hương.
Trầm hương có vị đắng, có thể nổi hoặc chìm dưới nước tùy theo loại gỗ. Nếu lượng dầu trong trầm lớn hơn 25% thì sẽ chìm trong nước. Gỗ trầm khá cứng và nặng, thường có màu nâu hay sọc nâu đen.
Phân bố:
Cây Trầm Hương phân bố rải rác ở các quốc gia Châu Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Trung Quốc....
Tại Việt Nam, cây phân bố từ Hà Giang đến Phú Quốc.
Trầm Hương có những loại nào ?
Kỳ Nam - Hạng cao cấp nhất.
Kỳ Nam là hạng trầm hương có phẩm cấp cao nhất, cho nhiều dầu nhất (các phân tử gỗ đã nhiễm dầu hầu như trọn vẹn). Khi nếm Kỳ Nam thì chúng ta có thể cảm nhận đủ vị chua, cay, đắng, ngọt, Kỳ Nam tỏa mùi thơm tự nhiên, khi đốt hương thơm đặc biệt, khói có màu xanh, bay thẳng và dài lên không trung.
Thanh kỳ: Có màu xanh xám, ánh lục, rất quý hiếm, đắt giá sau Bạch Kỳ.
Gỗ Trầm Hương - Thanh Kỳ
Huỳnh kỳ: Có màu vàng sẫm, vàng nâu rất quý hiếm và đắt giá sau Thanh Kỳ.
Gỗ Trầm Hương - Huỳnh Kỳ
Hắc kỳ: Có màu đen chàm, hắc ín, quý và đắt giá sau Huỳnh Kỳ.
Gỗ Trầm Hương - Hắc Kỳ
Trầm Hương - Hạng cao cấp.
Tuy không bằng Kỳ Nam, nhưng đây cũng là một loại trầm cao cấp, lượng nhiễm dầu ít. Trầm Hương thông thường có vị đắng, nặng, hầu hết khi đốt mới tỏa mùi thơm, khói khi đốt màu trắng, bay quanh rồi tan ngay
Gỗ Trầm Hương
Trầm Hương được xếp thành 6 loại khác nhau:
Trầm hương loại 1: Sắc sáp trắng, giá trị cao nhất trong 6 loại Trầm Hương.
Trầm hương loại 2: Sắc xanh đầu vịt.
Trầm hương loại 3: Sắc sáp xanh.
Trầm hương loại 4: Sắc sáp vàng.
Trầm hương loại 5: Sắc vằn lông hổ.
Trầm hương loại 6: Sắc vàng đốm dầu, giá trị thấp nhất trong 6 loại Trầm Hương.
Trầm Tốc - Loại Trầm được liệt kê đứng thứ ba:
Là một loại Trầm có mức nhiễm dầu ít, chủ yếu là từ bên ngoài và xen dài theo thớ gỗ. Vì vậy Trầm Tốc có giá trị và chất lượng thấp nhất so với Kỳ Nam và Trầm Hương. Thông thường Trầm Tốc dược hình thành ở thân cây, không có lỗ, đây là loại có nhiều nhất và được ưa chuộng trên thị trường, chia ra làm nhiều loại có giá bán khác nhau.
Trầm Tốc là dạng trầm nổi, hình thành ở thân cây Gió. Chất miếng trầm đặc, không có lỗ, hang. Trầm Tốc được ưa chuộng và thông dụng nhất trên thị trường hiện nay. Có mức giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Trầm Hương nhân tạo:
Trầm sánh ghép, được con người tạo ra từ lớp vỏ của cây Gió Bầu, loài cây duy nhất cho trầm cùng một lượng nhỏ trầm tự nhiên tạo thành. Trầm sánh ghép được cấy ghép từ lớp tinh dầu mỏng với thân cây Gió Bầu tạo nên trầm nhân tạo, gồm 3 loại: Chìm dưới nước, chìm lửng và nổi trên nước Trầm ép dầu. Dùng gỗ cây Gió Bầu chưa hình thành trầm hương, ép ở áp suất cao nhằm lấy tinh dầu trầm hương, sẽ cho ra thành phẩm cũng có mùi đúng như trầm hương, nhưng thường có màu rất đậm, không thấy được vân gỗ. Có 3 loại: Chìm dưới nước, chìm lửng và nổi trên nước.
Trầm Gió bầu, là loại trầm phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Cây Gió Bầu phải được trồng ít nhất 10 năm tuổi thì mới được mua lại để tiến hành cấy tạo trầm. Trên cây Gió, người ta tiến hành cấy trầm theo hai cách, từ lớp vỏ hoặc từ lõi của thân, bằng cách bôi một loại dung dịch đặc biệt vào vết thương của cây bị khoan, đục. Từ lúc trồng đến khi khoan lỗ cấy trầm phải mất 10 năm, sau khi cấy trầm mất khoản 5 năm nữa mới có thể hình thành trầm hương, nhưng không phải cây nào sau khi cấy đều tạo trầm, tỷ lệ thành công của việc cấy trầm Gió Bầu tương đối thấp.
Gỗ Trầm Hương Nhân Tạo
Giá trị của Trầm Hương trên thị trường:
Kỳ Nam là một loại trầm đứng đầu với giá thành khá cao tầm 100.000USD - 800.000USD/kg hoặc có thể sẽ cao hơn.
Trầm Hương loại 1 chìm nước có giá giao động từ 20.000USD - 100.000USD/kg.
Ngoài ra, tinh dầu Trầm Hương thường có giá thị trường tầm 20.000USD trở lên tùy vào chất lượng.
Ứng dụng:
Gỗ Trầm Hương thường được sử dụng trong phong thủy để làm trang sức như vòng tay, tượng gỗ hoặc sản xuất ra nhang trầm, bột trầm và tinh dầu. Ngoài ra, Trầm Hương còn được dùng để làm các bài thuốc chữa trị các bệnh đơn giản trong đông y ngày xưa. Nhưng hiện nay thì hầu như không có ai sử dụng vì giá trầm hương ngày càng cao.